Cảm nhận phim: Kẻ đánh cắp giấc mơ – Inception 2010 (Christopher Nolan)

Hãy tưởng tượng nhóm bạn có 6 người và công việc của các bạn là đánh cắp những giấc mơ. Một người trong nhóm có khả năng dẫn dụ người khác tiết lộ những bí mật sâu kín nhất thông qua việc xâm nhập vào giấc mơ của họ. Một người khác có khả năng kiến thiết giấc mơ sao cho người mơ có cảm giác thật nhất. Người này có khả năng bẻ cong mọi lý thuyết vật lý để tạo ra những nghịch lý như một cầu thang vô tận, một mê cung trong giấc mơ. Người này thiết kế một thế giới trong mơ và truyền cho một người mơ còn lại thông qua một hệ thống được nghiên cứu để đánh cắp giấc mơ của người khác. Và nhóm bạn phải xâm nhập vào 4 tầng giấc mơ riêng biệt liên tiếp. Khi cả nhóm được kết nối đi vào cùng một giấc mơ chung, việc nhận dạng ai đang mơ là rất quan trọng. Một khi chuỗi giấc mơ này bắt đầu, cách tốt nhất để theo dấu người đang mơ là giữ cho người này còn thức trong giấc mơ của mình và không theo mọi người mơ xuống tầng tiếp theo – người đang làm chủ giấc mơ hiện tại không thể xuống tầng mơ sâu hơn bằng không tầng mơ họ nắm giữ sẽ kết thúc. Cứ 5 phút ở thế giới thực sẽ cho ta 1 giờ trong giấc mơ. Sự gia tăng này theo cấp lũy thừa ở những tầng mơ sâu hơn nữa. Nếu như người mơ ở hiện tại còn 10 giây để tỉnh, thì người mơ ở tầng thứ nhất sẽ còn 3 phút và tầng thứ ba sẽ là 60 phút để hoàn thành việc đánh cắp bí mật của đối phương. Đặc biệt khi mơ, bạn không được để rơi vào viễn thức (như chết), nó sẽ cực kỳ khó để bạn tỉnh giấc, vì giấc mơ sẽ thực đến sống động, đến mức bạn không chút thức tỉnh nào và chấp nhận giấc mơ như hiện thực vậy, đồng nghĩa ở thế giới thực bạn sẽ rơi vào tình trạng hôn mê.

Đó là những gì mình có thể tóm gọn lại sau khi xem bộ phim Kẻ đánh cắp giấc mơ – của nhà sản xuất và đạo diễn Christopher Nolan. Đây là bộ phim thứ hai mình xem của bác Nolan sau Cuộc Di Tản – Dunkirk 2017. Sau khi xem bộ phim này, mình sẽ gọi ông là Bậc thầy của những “giấc mơ” (không phải Bậc thầy của những ước mơ như P.T.Barnum trong The Greatest Showman 2017 đâu nhé). Phim khá dài, tận hai tiếng rưỡi. Hai phần ba đầu nhịp phim chậm nhưng rất quan trọng vì nó giới thiệu và giải thích những nguyến tắc khi xâm nhập vào giấc mơ. Một phần ba còn lại của bộ phim là những màn hành động gay cấn, cảm giác khi xem đoạn này tim muốn rớt ra ngoài vì cái nguyên tắc thời gian tăng theo cấp lũy thừa ở mỗi tầng của giấc mơ.

Mình chỉ mới xem được hai phim của Christopher Nolan nhưng mình phát hiện được một điều, đó là bác ấy luôn chọn một (hoặc một vài) diễn viên của phim trước cho bộ phim sau của mình. Mình xem phim của bác Nolan theo thứ tự ngược, tức là xem từ phim mới nhất trở lên. Cho nên mình rất thích thú khi thấy một nhân vật trong phim trước mình vừa xem lại xuất hiện ở phim mình đang xem trong một hình ảnh trẻ hơn rất nhiều. Điển hình là anh lính Pháp trong Dunkirk tự nhiên xuất hiện trong Inception là chàng trai trẻ Fisher đã đuợc huấn luyện “tự vệ” trong tiềm thức. Phim sở hữu một dàn tài tử nam đẹp trai và tài năng, đặc biệt nếu bạn là fan của anh chàng Jack trong Titanic thì chắc chắn sẽ thích ngay nhân vật chính Dom Cobb – một người chồng, người cha tuyệt vời, trên hết là một bậc thầy lừa đảo dưới một chức danh vô cùng bóng bẩy – Trích đoạt viên (người trích xuất). Riêng mình, mình thích nhất nhân vật Arthur – người dẫn đường ở tầng mơ thứ hai, đây cũng là tầng mơ mình thích nhất về cách dàn dựng và các kỹ xảo đi cùng.

14976308_1409799609043699_1300211211324803298_o

Cuối tuần Sài Gòn mưa gió, nếu bạn ngại ra đường, có thể ở nhà và thử xem phim này, biết đâu bạn sẽ thấy nó hay và hấp dẫn hơn những gì mình chia sẻ ở trên nữa. Và mình rất vui khi biết thêm một fan nữa của Nolan để cùng nhau chém gió về những bộ phim của ông ấy 🙂

Leave a comment